CERAMIC MOSAIC MURAL DESIGNED BY NGUYEN THU THUY
“Kiến trúc sư” của Con đường Gốm sứ
31/08/2010 | 17:52:21
(Chinhphu.vn) - Trong những công trình mừng Thủ đô ngàn năm tuổi có một công trình văn hóa khá đặc sắc, đó là Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - tác phẩm nghệ thuật được hình thành từ ý tưởng của họa sỹ Nguyễn Thu Thủy.
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy ghép tranh cho Con đường Gốm sứ. Ảnh: VnExpress
Tấm lòng với Thủ đô
Khơi nguồn cho ý tưởng biến những mảng tường bê tông dọc đê sông Hồng thành một công trình đẹp mang ý nghĩa văn hóa – xã hội, tô điểm thêm cảnh sắc Thủ đô vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm nảy sinh trong suy nghĩ của một họa sỹ của Báo Hà Nội Mới, chị Nguyễn Thu Thủy (sinh năm 1971) từ khi chị được chứng kiến cuộc khai quật khảo cổ tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào cuối năm 2003. Khi đó, những đầu phượng, đầu rồng lớn bằng đất nung, những lá đề và đầu ngói ống trang trí, viên gạch trang trí hoa cúc dây thời Lý, thạp gốm lớn hoa nâu thời Trần, bình gốm men lam và men trắng rạn thời Lê... đã khiến chị xúc động mạnh và nghĩ về một dòng chảy lịch sử xuyên suốt được lưu giữ trên chất liệu gốm, được cất giữ ngay giữa trái tim Thủ đô.
3 năm sau, trong một khóa học báo chí tại Berlin và có cơ hội được đi thăm một số viện bảo tàng tại Ðức, Tây Ban Nha, Italia, chị Thủy đã rất thích thú khi được tận mắt ngắm nhìn các công trình kiến trúc ngoài trời sử dụng gốm ốp rất thành công, trong đó có những công trình được ốp gốm từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, đến nay vẫn còn nguyên vẹn và bền màu. Từ đó, nữ họa sĩ đã suy nghĩ nhiều về tính trường tồn của loại vật liệu quen thuộc này và tìm cách ứng dụng.
Chị kể: Hàng ngày, đi từ nhà ở Nghi Tàm tới Tòa soạn, nhìn những bức tường bê tông dọc đê sông Hồng, ý tưởng về một con đường được trang trí những bức tranh tường bằng gốm bỗng nảy sinh. Chị quyết định lên kế hoạch và mời các nghệ sĩ, các nhà tài trợ tham gia dự án này…
Đoạn tranh "Không gian lễ hội Thăng Long" do họa sĩ Tùng Ngọc thiết kế. Ảnh: VnExpress
Vào tháng 11/2006, Đề án “Con đường Gốm sứ ven sông Hồng” ra đời và được UBND TP Hà Nội phê duyệt, cho phép triển khai vào cuối năm 2007. Theo quyết định này, Sở VHTTDL TP Hà Nội là đơn vị chủ trì dự án; Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội được giao là đơn vị triển khai thực hiện.
Mục tiêu của dự án là thực hiện bức tranh gốm khổng lồ dọc theo bờ đê sông Hồng từ đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư… với tổng chiều dài hơn 6 km, diện tích tổng cộng khoảng 6.500 m2.
Do đặc điểm là các đoạn tranh gốm trưng bày ngoài trời nên các họa sĩ phải tìm tòi những chất men không bị bong rộp khi trời nóng, nhiệt độ nung đạt 1.200 độ C để chịu được mưa nắng và những biến đổi của thời tiết. Vào tháng 5/2007, chị tổ chức một trại sáng tác gốm ở Bát Tràng và trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học - vừa để thuyết minh với các nhà quản lý, vừa để chọn những nghệ sĩ có phong cách phù hợp với dự án.
Chị Thủy còn cho biết, đây là dự án mở, chị muốn kêu gọi những tấm lòng yêu Hà Nội cùng chung sức đóng góp, tạo dựng mà không dùng ngân sách của Nhà nước để có một món quà ý nghĩa mừng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chính vì vậy, rất nhiều sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã tìm đến dự án làm tình nguyện viên và họ không chỉ góp công vào việc thực hiện con đường gốm sứ, mà còn là những người thầm lặng giữ gìn những đoạn đường đã hoàn thành.
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết, góp phần quan trọng vào thành công của dự án là sự hỗ trợ của TP Hà Nội. Bởi lúc đầu khi chưa kêu gọi được tài trợ của các đơn vị, TP Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí cho những đoạn tranh đầu tiên, đó là những đoạn tranh với đề tài về dòng chảy lịch sử và hoa văn của các dân tộc... Đây cũng là những đoạn tranh gốm đẹp và có ý nghĩa nhất trên Con đường Gốm sứ.
Đoạn tranh "Dấu ấn định đô Thăng Long" do nhóm tác giả Bùi Việt Đoàn, Nguyễn Thu Thủy thiết kế. Ảnh: VnExpress
Con đường của tình hữu nghị
Con đường Gốm sứ đã thu hút 20 họa sĩ trong nước, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế trực tiếp tham gia thực hiện.
Ðoạn tranh gốm đầu tiên là của nghệ sĩ Ðan Mạch Ghết-xen thực hiện tháng 3/2008. Ðây là đoạn tranh nằm trên bức tường đê đối diện bến xe Long Biên, mang phong cách đương đại. Ðến tháng 6/2009, nghệ sĩ Pháp Ðô-mi-ních đờ Mi-xcôn thực hiện đoạn tranh gốm với chủ đề sử thi "Ðẻ đất đẻ nước" của dân tộc Mường ở Hòa Bình.
Tháng 8/2009, Ðại sứ quán Hà Lan tài trợ một đoạn tranh với chủ đề Van Gốc. Tháng 10/2009, họa sĩ New Zealand Ana Tzarev thiết kế đoạn tranh với chủ đề hoa nhiệt đới. Ðoạn tranh này được nhiều người nhận xét là rực rỡ, bắt mắt và là một trong những điểm nhấn thú vị của Con đường Gốm sứ.
Tháng 12/2009, hai nghệ sĩ Mỹ J.Bri-man và J.Ben-nét đã thực hiện đoạn tranh gốm hoa lam nền trắng. Ba nữ họa sĩ Argentina khởi đầu công việc cho năm 2010 với đoạn tranh tái hiện phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của cả Việt Nam và Argentina…
Rồi thông qua trang web của dự án Con đường Gốm sứ, nhiều nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã hưởng ứng bằng nhiều cách khác nhau, như gửi tặng Hà Nội những viên gạch nghệ thuật, gửi phác thảo... Gần 100 nghệ sĩ gốm và họa sĩ từ Hungaria, Mexico, Brazil, Argentina, Mỹ, Ðài Loan (Trung Quốc), Croatia... đã gửi những viên gạch nghệ thuật tặng cho dự án. Tháng 9/2009, phóng sự về dự án được phát trên kênh truyền hình CNN nên thu hút thêm sự chú ý của nhiều nghệ sĩ quốc tế khác.
Họa sĩ New Zealand Ana Tzarev và họa sĩ Nguyễn Thu Thủy thăm đoạn tranh gốm do bà thiết kế. Ảnh: VnExpress
UNESCO cũng đóng góp một trường đoạn gốm tái hiện các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được công nhận: Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh.
Có thể nói, Con đường Gốm sứ vì tình yêu Hà Nội của các nghệ sỹ Việt Nam đã khơi dậy tình yêu Hà Nội, tình yêu Việt Nam của các nghệ sỹ bạn bè trên khắp hành tinh. Dù trực tiếp hay gián tiếp, tình cảm của họ với Hà Nội, với Việt Nam đã in đậm trên công trình văn hóa này đúng dịp Thăng Long – Hà Nội tròn ngàn năm tuổi.
Cung đường với những mảng bê tông ngày trước giờ đã khoác một tấm áo mới bằng gốm đầy màu sắc. Cho dù chỉ lướt qua, nhưng chắc chắn mỗi lần như vậy, bạn sẽ nhận ra một điều thú vị trên Con đường Gốm sứ - con đường ghi đậm dấu ấn của các nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế, trong đó có công sức của họa sỹ - kiến trúc sư – Công dân Thủ đô ưu tú 2010 Nguyễn Thu Thủy.
Nguyễn Vũ
(Theo Nhân Dân, VnExpress)
Source: http://thanglong.chinhphu.vn/Home/Kien-truc-su-cua-Con-duong-Gom-su/20108/5228.vgp
Hanoi ceramic mosaic sets Guinness World Record
Updated : 12:56 PM, 05/10/2010
Hanoi has held its inauguration ceremony for the city’s ceramic mosaic mural and received a Certificate for the largest Ceramic mosaic by the Guinness Book of World Records, on October 5.
The mosaic mural came from an idea by Nguyen Thi Thu Thuy, a journalist and painter who works for the Hanoimoi newspaper. She was then given full support by the city authorities.
The work of art was made from 2007-2010, involving 20 Vietnamese and 15 foreign artists, and 500 children from across the country and around the world plus 100 artists from traditional ceramic villages, including Phu Lang, Bat Trang, Chu Dau and Binh Duong.
At the ceremony, the Guinness Book of World Records Representative, Beatriz Fernandez, presented the certificate and confirmed that the similar record, held by China, covers 1,494.4 m2, has been broken.
Now, with its one section alone from An Duong Terminal to Tan Ap Terminal on Yen Phu Street, covering 1,570,2m2, the Hanoi mural has set a new Guinness World Record.
Source:http://english.vov.vn/Home/Hanoi-ceramic-mosaic-sets-Guinness-World-Record/201010/120170.vov
Source:http://www.phapluatvn.vn/channel/4785/201005/Thuy-gom-1943162/
Copy © 2010 Thuthuymosaic@gmail.com