Những ý tưởng làm đẹp Hà Nội
QĐND - Thứ Ba, 20/03/2007, 17:8 (GMT+7)
Cuộc thi "Làm đẹp thành phố Hà Nội" do Viện nghiên cứu Kiến trúc, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam dành cho những kiến trúc sư trẻ (KTS) nhằm lựa chọn những ý tưởng hay, từ đó sẽ lựa chọn được những đóng góp về kiến thức thiết thực cho thành phố và phát hiện những gương mặt mới trong giới KTS Việt Nam đã khép lại bằng lễ trao giải thưởng ngày 14-3 vừa qua với 2 giải nhất: "Dòng sông trở lại", "Thiết kế khu đô thị khu vực chợ Hàng Da"; 3 giải nhì: "Xóm đường tàu", "Flexible box", "Khoảng mở"; và 4 giải ba: "Bảo tồn và phát triển công trình bốt Hàng Đậu thành Bảo tàng góc Hà Nội xưa và nay", "Trạm đỗ xe buýt và nhà vệ sinh", "Hồ sáng", "Ngược dòng". Đẹp từ quy hoạch, kiến trúc...
Diễn ra trong thời gian ngắn (từ tháng 10 đến tháng 12-2006), nhưng cuộc thi đã thu hút được 26 phương án của các KTS trẻ từ các trường Đại học Xây dựng, Kiến trúc trên địa bàn Hà Nội. Các phương án đều đưa ra những ý tưởng mới, tìm tòi giải pháp cho những vấn đề cụ thể, bức xúc của quy hoạch, kiến trúc, vật liệu... liên quan đến diện mạo của Thủ đô, đồng thời giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân Hà Nội. Biểu hiện rõ nét cho giải pháp này là phương án "Dòng sông trở lại" (giải nhất) của nhóm tác giả: Trần Nguyên Quảng, Nguyễn Quốc Tuấn, Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Anh Tuấn Dũng, Mai Xuân Ngọc, Nguyễn Ngọc Tân (Trung tâm Kiến trúc miền Trung thuộc Viện nghiên cứu Kiến trúc).
Đối tượng điển hình để nghiên cứu trong dự án này một đoạn sông Lừ, bắt đầu từ cầu Trung Tự đến hồ Xã Đàn, mặt cắt trung bình khoảng 35 mét. Nhóm tác giả dựa trên những hình ảnh hiện trạng, những số liệu sưu tầm để đưa ra giải pháp cải tạo môi trường xung quanh đoạn con sông này, quy hoạch lại hệ thống dịch vụ, điểm vui chơi ven theo sông. Việc đầu tiên cần giải quyết vấn đề mà lâu nay con sông vẫn đang đảm nhiệm là tiêu thoát nước thải của khu dân cư xung quanh bờ sông và kết nối việc tiêu nước giữa các hồ với sông chính. Giải pháp là thực hiện các cống ngầm hình hộp bằng bê tông cốt thép, các cống này cần có lưu lượng lớn hơn dòng sông hiện tại và chống thấm hiệu quả, hệ thống nước thải của cư dân xung quanh sẽ được dẫn vào ga thu và đổ vào cống này, hệ thống thoát nước mưa cũng cần được thu gom bên ngoài dòng sông. Mặt cắt các dòng sông không chỉ hoàn toàn là việc kè bờ đá và bê tông mà cần có các tầng sét bùn, sỏi đá và trồng các loại cỏ và cây thủy sinh nhằm làm sạch nước sông. Hai bên bờ sông được kè và lát gạch, ngăn với cư dân bằng các dải cây xanh, bồn hoa và đường đi bộ. Việc làm vỉa hè trên các đoạn sông sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư một số diện tích mặt bằng để tiến hành các dịch vụ khác như quán cà phê, các nhà hàng nhỏ... Việc cải tạo các đoạn sông nhằm đem đến một không gian nghỉ ngơi giải trí cho cư dân xung quanh cũng như phản chiếu cảnh quan kiến trúc quanh con sông, giữ lại những giá trị lịch sử của đô thị Hà Nội, đem đến một giá trị bền vững cho kiến trúc quy hoạch Hà Nội trong tương lai.
Nằm trong chủ đề quy hoạch, kiến trúc, ý tưởng "Xóm đường tàu" (giải nhì) của tác giả Đặng Việt Bách, sinh viên lớp 47KD5-Đại học Xây dựng Hà Nội đã đề cao tính nhân văn khi muốn tạo lập ra một không gian sống an toàn và bền vững cho những người dân sống dọc hành lang đường sắt phố Phùng Hưng. Với ý tưởng biến nơi đây thành một địa điểm du lịch hấp dẫn kết hợp cùng phố ẩm thực Tống Duy Tân để chào đón 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tác giả đã đưa ra giải pháp tạo một tuyến bằng vật liệu cách âm chống rung động bao lấy đoàn tàu, bên trên tuy-nen này tổ chức lối tiếp cận cho các căn hộ, phố đi bộ, sân chơi cho trẻ em, lối đi dạo cho người già. Hệ thống cửa trượt điều khiển tự động đặt tại vị trí có đường giao thông cắt ngang qua đường tàu kết hợp với hệ thống đèn báo tín hiệu sẽ ngăn không cho những người dân vô ý thức vượt qua khi có tàu chạy.
Với ý tưởng "Bảo tồn và phát triển công trình bốt Hàng Đậu thành Bảo tàng góc Hà Nội xưa và nay"-đề án giành giải ba của tác giả Đào Trần Anh Vũ lại mong muốn đưa bốt Hàng Đậu tiếp tục cuộc sống đô thị của mình một cách hội nhập hơn mà vẫn nguyên gốc gác với đề xuất bảo tồn nguyên trạng cấu trúc và hình thức bên ngoài, cải tạo nội thất bên trong thành những không gian trưng bày mở, phát triển thêm một khối trưng bày mới ở phía trên với hình thức hiện đại, công nghệ cao và vật liệu mới. Trang bị trong lõi của công trình một hệ thống giao thông đứng, đủ đáp ứng việc di chuyển của lượng người, thang thoát hiểm... Bên cạnh đó là những hình ảnh được trưng bày giới thiệu Hà Nội xưa và nay theo chiều hướng từ trên xuống, theo chuỗi liên tục để du khách được chiêm ngưỡng. Chuỗi liên tục ấy còn được bổ sung bằng một không gian cà phê và quan sát ở tầng mái với những góc Hồ Tây-Trúc Bạch, cầu Long Biên-sông Hồng... Lối vào ngầm của công trình sẽ xuất phát từ Vườn hoa Vạn Xuân, kết hợp là hệ thống chiếu sáng từ tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, đài phun nước và những cuộc trưng bày ngoài trời...
...đến con đường gốm sứ ven sông Hồng
Không nằm trong những ý tưởng tham dự tranh giải cuộc thi "Làm đẹp thành phố Hà Nội", nhưng dự án "Con đường gốm sứ ven sông Hồng-quà tặng Hà Nội nhân 1000 năm tuổi" của nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thị Thủy và nhóm hoạ sĩ trẻ thuộc Công ty Nghệ thuật Tân, Hà Nội lại thu hút đông đảo sự ủng hộ của các KTS, người dân Thủ đô và du khách quốc tế khi được trưng bày tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền.
Xuất phát từ ý nghĩa: Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long theo sông Nhị Hà (sông Hồng ngày nay). Khi thuyền cập bến, nhà vua đã nhìn thấy đám mây lớn hình rồng như bay lên từ mặt nước. Nhà vua đã lấy điềm lành đó để đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Vì vậy, việc thực hiện món quà tặng cho Hà Nội là bức tranh gốm nghệ thuật hoành tráng hội tụ nhiều chất liệu gốm của nhiều vùng, miền trong cả nước như gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Lái Thiêu, Chăm... bằng bức tường gốm cao 95cm, dài 6.000 mét trang trí trên đường đê sông Hồng từ đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư; trang trí nút giao thông (cầu vượt) cầu Chương Dương và các hàng cột dưới gầm cầu Chương Dương, chân cầu Long Biên, 3 đài phun nước trang trí gốm tại các ngã ba tại 3 khu vực khách sạn Thắng Lợi, Sofitel, chợ Long Biên. "Để bức tranh gốm sẽ thực sự có ý nghĩa và là một công trình nghệ thuật mang tính cộng đồng, chúng tôi rất mong sự ủng hộ từ phía cơ quan quản lý, các bạn đồng nghiệp và đặc biệt là các họa sĩ trẻ trong nước và quốc tế tham gia"-đó là nguyện vọng của tác giả và các cộng sự trong buổi ra mắt dự án.
VƯƠNG HÀ-THU TRANG
Source:http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/6/6/66/11230/Default.aspx
Copy © 2010 Thuthuymosaic@gmail.com