Exhibition " The first Images of Hanoi Ceramic Mosaic Mural" at Ethnology Museum (19 - 29/5/2010)
Source:http://vtc.vn/151-157439/van-hoa/doi-song-van-nghe/con-duong-gom-su-va-nhung-buc-tranh-dau-tien.htm
Con đường Gốm sứ ven sông Hồng: Lãng mạn và hiện thực
QĐND - Thứ Hai, 21/05/2007, 21:13 (GMT+7
ĐND Online - Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng dự kiến có chiều dài hơn 6000m chạy suốt dọc đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư và các điểm nhấn trên các cột trụ cầu vượt nút giao thông Chương Dương, Long Biên… lãng mãn và bay bổng sẽ không còn là ý tưởng mà đang từng bước trở thành hiện thực. Đây là món quà độc đáo mà Nguyễn Thu Thuỷ và các cộng sự dành tặng Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi...
Ý tưởng táo bạo
Vừa là hoạ sĩ, lại là phóng viên một tờ báo lớn, Nguyễn Thu Thuỷ có điều kiện đặt chân tới nhiều nước trên thế giới. Nhưng để có ý tưởng táo bạo này phải kể đến lần chị đặt chân tới Bảo tàng Khảo cổ học Alte ở Berlin, Đức. Chị đã đứng hàng giờ mê mẩn trước bức tường thành Babilon với những bức phù điêu đắp nổi trang trí cùng màu gốm lưu ly xanh đến mê hoặc có từ thế kỷ VI trước công nguyên đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Hình ảnh tuyệt vời ấy tạo ấn tượng sâu đậm trong chị, và khơi nguồn cho nhiều đề tài sáng tác của nữ hoạ sĩ trẻ về sau này.
Tết Bính Tuất (2006), chị cùng người bạn lên đoạn đường Nghi Tàm, Âu Cơ tìm cành đào, mai về trưng tết. Lúc đó vào chiều tà, những tia nắng cuối ngày hắt lên những chậu mai vàng, đào, quất toả lên thứ ánh sáng vô cùng rực rỡ trên nền xám xịt của dải đường bê tông. Chỉ trong một thoáng, nhưng dường như chị thấy được vẻ đẹp lung linh huyền ảo của của bức tường thành Babilon tại Bảo tàng Khảo cổ học Alte thuở nào. Và cũng gần như đồng thời, trong đầu chị loé lên một hình ảnh vô cùng lãng mạn, biến những bức tường u tối, xám xịt kia trở lên sống động, rực rỡ như những vườn hoa xuân.
Ý tưởng đó được chị âm thầm nuôi dưỡng, xây dựng… cho đến một ngày, Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng xuất hiện tại triển lãm công bố các tác phẩm kiến trúc làm đẹp Hà Nội cuối tháng 4-2007 đã tạo được ấn tượng mạnh tới đông đảo người xem và Dự án đã nhận được sự ủng hộ của Ban chỉ đạo Kỷniệm 1.000 năm Thăng Long, UBND TP. Hà Nội; Hội Mỹ thuật Việt Nam… Chị cũng nhận được sự ủng hộ hết mình của những thành viên trong Câu lạc bộ hoạ sĩ trẻ Hà Nội cũng như những nghệ sĩ bậc đàn anh trong giới hoạ sĩ Việt Nam…
Những bước đầu tiên của con đường trong mơ…
Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng sẽ được thể hiện trên suốt chiều dài hơn 6000 mét dọc đường đê sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội với chiều cao 0,95cm (một số đoạn cửa khẩu có độ cao 1,5m). Theo dự án, bức tranh tường gốm chỉ mang tính trang trí, ước lệ với những hoạ tiết nhỏ, màu sắc hài hoà, đường nét mềm mại, tinh tế với tỷ lệ cân đối vừa phải. Mong muốn của tác giả dự án, bức tranh tường kéo dài này vừa có tính tiếp nối truyền thống, vừa hiện đại, sử dụng chính tiềm năng các làng nghề gốm truyền thống trên khắp cả nước như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Đông Triều… và chị cũng mơ tới con đường gốm sứ này sẽ có sự góp mặt của nhiều kỹ thuật gốm nổi tiếng trên thế giới như: Ai Cập, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Mê-hi-cô…
Những bước khởi động đầu tiên của Dự án được đánh dấu bằng 50 bức tranh và tượng gốm (sản phẩm từ trại sáng tác của Dự án đặt tại làng gốm Bát Tràng) trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào chiều 19-5.
Những sản phẩm của các thành viên tham gia trại sáng tác thể hiện những ý tưởng sáng tạo hết sức đa dạng, có tác phẩm của các hoạ sĩ nổi tiếng như Joel Bennett, giảng viên ĐH Mỹ thuật Santa Rosa Junior (California, Mỹ); nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vị, giảng viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đến các hoạ sĩ trẻ như Vũ Hồng Nguyên, Trần Đình Khương, Ngô Bá Hoàng, Nguyễn Doãn Sơn, Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Thu Thuỷ…
Từ chất liệu gốm nổi tiếng của làng gốm Bát Tràng, các họa sĩ đã thể hiện nhiều ý tưởng và phong cách khác nhau. Người thì đắp nổi với những hình tượng hoành tráng, người thì tinh tế với hoa văn chìm, bóng, người lại giản dị với chất liệu gốm thô, người lại thiên về những màu sắc hiện đại với những gam màu ấn tượng được kết hợp hài hoà….
Tại triển lãm, chủ nhân của dự án bộc bạch với chúng tôi rằng, những sản phẩm trưng bày ở đây chỉ là những thể nghiệm để các nghệ sĩ tìm tòi khả năng biểu cảm của chất liệu gốm, tạo dựng những bước đi ban đầu cho dự án. Việc liên kết giữa các tác phẩm để bảo đảm tính liên hoàn thống nhất trên Con đường gốm sứ sẽ dễ hình dung hơn khi phong cách của mỗi nghệ sĩ được thể hiện trên đoạn đường dài hơn. Triển lãm này cũng là những thể nghiệm ban đầu, trên thực tế sẽ có hội đồng thẩm định để chọn ra những bức tranh đặt cạnh nhau sao cho mang tính tập thể liên hoàn hoành tráng.
…Và hiện thực
Nhiều câu hỏi xoay quoanh Dự án của nữ hoạ sĩ, trong đó có người đặt vấn đề: liệu chị đã tính đến khả năng, Con đường gốm sứ ven sông Hồng với những hình ảnh rực rỡ, sống động lại bắt mắt như vậy có làm người đi đường mải mê ngắm nhìn mà gây ra những ùn tắc, tai nạn về giao thông công cộng? Chị đã rất thẳng thắn bày tỏ: nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng phương thức này, và thu được hiệu ứng tốt. Chị lý giải rằng, dải đường đê này có độ cao trung bình 95cm, cao nhất như những đoạn cửa khẩu chỉ tới 1,5m, không vượt quá tầm mắt của người tham gia giao thông, mặt khác, chị cũng là người đã đặt chân tới nhiều nước trên thế giới và có nét chung rằng, các công trình nghệ thuật thường nằm sát đường giao thông, và có tác động thẩm mỹ rất tích cực.
Nhận xét về dự án Con đường gốm sứ, cũng như về những tác phẩm đầu tiên này, hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ông đánh giá cao sáng kiến của Dự án và khả năng sáng tạo của các hoạ sĩ. Dùng chất liệu gốm truyền thống để làm đẹp Hà Nội 1000 năm là một ý tưởng mang nhiều ý nghĩa và hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, theo ông, đây mới là những tác phẩm thử nghiệm, các hoạ sĩ hoàn toàn tự do sáng tạo, nhưng khi chọn để gắn vào Con đường gốm sứ ven sông Hồng lại cần phải cân nhắc kỹ. Bởi, ở đây sẽ cần những tác phẩm thiên về tính trang trí hơn là hội hoạ, và trong một đoạn đường dài đến hơn 6000m như vậy, sẽ cần những đoạn chuyển, phải có chủ đề nội dung để tránh nhàm chán và lộn xộn.
Trao đổi bên lề triển lãm Con đường gốm sứ ven sông Hồng, ý kiến của ông Vi Tiến Thành - Phó vụ trưởng vụ Mỹ thuật Nhiếp ảnh Bộ Văn hoá thông tin cũng nhấn mạnh rằng, Con đường gốm sứ ven sông Hồng nên lựa chọn lối trang trí, mảng miếng, cách điệu ghép lại tạo nên những hình khối hết sức đơn giản chứ không nên sa vào chi tiết, nhất thiết tác giả và các cộng sự của dự án nên lựa chọn mặt phẳng, vì đây là công trình công cộng.
Theo dự kiến, 100m đầu tiên của dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng sẽ được triển khai vào cuối tháng 5, bắt đầu tại đoạn đê cửa khẩu An Dương – nơi ngã ba của cung đường Nghi Tàm, Yên Phụ, Thanh Niên.
Chưa đầy 3 năm nữa, Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, vì vậy chủ nhân của dự án cùng các cộng sự thực hiện dự án mong muốn bức tranh gốm này sẽ được hoàn thành vào mùa thu 2010 như món quà chào đón sự kiện lịch sử trọng đại này. Những việc làm và tâm nguyện của họ thật đáng quý. Mong rằng, điều đó sớm trở thành hiện thực để Hà Nội có thêm một công trình tạo dấu ấn văn hoá – con người Việt Nam.
Bài và ảnh: Kim Anh
Source: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/14429/print/Default.aspx
Triển lãm “Con đường Gốm sứ ven sông Hồng” tại Hà Nội
Cập nhật lúc: 2:00 PM, 18/05/2007
16h30 ngày 19/5, triển lãm “Con đường Gốm sứ ven sông Hồng”, do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức sẽ khai mạc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và kéo dài đến ngày 29/5.
(VOV)_Triển lãm công bố trên 50 bức tranh và tượng gốm được sáng tạo trong trại sáng tác do công ty nghệ thuật Tân Hà Nội, đơn vị triển khai dự án này tổ chức tại làng gốm Bát Tràng. Công chúng yêu nghệ thuật sẽ được chiêm ngưỡng những nét hoa văn từ kho tàng di sản nghệ thuật của cha ông được tái hiện qua góc nhìn của các nghệ sỹ đương đại, những bức tranh gốm khổ lớn theo phong cách hiện đại thể hiện khả năng biểu cảm phong phú của chất liệu gốm Việt Nam.
Tại cuộc triển lãm này, UBND thành phố Hà Nội sẽ công bố quyết định cho phép triển khai và cấp kinh phí ban đầu cho dự án. Hoạt động xã hội hóa để triển khai dự án được chính thức đưa ra trong cuộc triển lãm. Với tấm lòng yêu Hà Nội, công chúng tham quan có thể tham gia gây quỹ làm đẹp Thủ đô bằng cách mua những viên gạch mẫu, những sản phẩm gốm được Ban Tổ chức đem ra bán.
Dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng – quà tặng Hà Nội nhân 1000 năm tuổi” do nhà báo - hoạ sĩ Nguyễn Thu Thủy đề xuất đã nhận được sự ủng hộ từ UBND thành phố Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam, dư luận xã hội và đặc biệt là các nghệ sỹ. Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội, đơn vị triển khai dự án này đã tổ chức tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) trại sáng tác đợt đầu để các hoạ sỹ cho ra lò những bức tranh gốm đầu tiên dành riêng cho dự án.
Tham gia trại sáng tác có nghệ sỹ gốm nổi tiếng Hoa Kỳ Joel Bennett, giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Santa Rosa Junior (California); nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vị, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và các hoạ sỹ thuộc CLB Họa sỹ trẻ Hà Nội như Vũ Hồng Nguyên, Trần Đình Khương, Ngô Bá Hoàng, Nguyễn Doãn Sơn, Nguyễn Văn Chuyên, Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Thu Thủy.../.
Source:http://vov.vn/Home/Trien-lam-Con-duong-Gom-su-ven-song-Hong-tai-Ha-Noi/20075/60184.vov
Copy © 2010 Thuthuymosaic@gmail.com