(Thứ Hai, 26/05/2008-9:36 AM)
KIẾN TRÚC SƯ ANTONIO GAUDI VỚI NGHỆ THUẬT GẮN GỐM
Khi được các bạn đồng nghiệp từ các báo khác phỏng vấn về ý tưởng ra đời Con đường Gốm sứ ven sông Hồng, tôi có nhắc nhiều đến vị kiến trúc sư người Tây Ban Nha Antonio Gaudi mà tôi rất ngưỡng mộ. Tôi đã viết một bài báo dài về riêng công trình kiến trúc Sagrada Familia đăng trên Hà nội mới Chủ nhật ngày 26-10-2006 sau khi trở về từ khoá học báo chí tại châu Âu. Nhân dịp này tôi xin được viết tiếp về nghệ thuật gắn gốm của A.Gaudi tại ba công trình kiến trúc khác của ông ở Barcelona mà tôi đã may mắn được đến thăm. Thực ra từ trước đó tôi đã rất mê hội hoạ siêu thực của Sanvador Dali, những sáng tạo kiến trúc lãng mạn và cũng đầy chất siêu thực của A.Gaudi qua những cuốn sách nghệ thuật và những thông tin tìm kiếm được trên mạng Internet. Mục đích của tôi đến Barcelona là thực hiện ước mơ được chiêm ngưỡng tận mắt các tác phẩm của hai “thần tượng” này.
Sau khi dành cả ngày thăm Nhà thờ Sagrada Familia -công trình kiến trúc lớn nhất mà Gaudi thực hiện trong 42 năm và một cuộc triển lãm thú vị mang tên Gaudi của Thiên nhiên trưng bày tại tầng hầm của nhà thờ, hai ngày hôm sau tôi đi thăm tiếp Casa Batllo, Casa Milla (Pedrera) và công viên Park Guell. Casa tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Ngôi nhà. Cả ba công trình này đều đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới và hàng ngày thu hút rất đông khách du lịch tới thăm quan. Nét độc đáo và riêng biệt khi nhắc tới các công trình kiến trúc của Gaudi chính là việc ông sử dụng chất liệu gốm một cách tài tình để trang hoàng các công trình kiến trúc. Toàn bộ mặt tiền và mái của Casa Batllo đều được phủ bằng gốm- những viên ngói và gạch gốm do Gaudi thiết kế và được bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công từ các làng gốm của Tây Ban Nha thể hiện. Hoà vào dòng khách thăm quan rất đông, tay ai cũng lăm lăm máy chụp ảnh và dường như ai cũng liên tiếp đưa máy lên chụp, tôi cũng ở trong tâm trạng trầm trồ thán phục sự sáng tạo của vị kiến trúc sư bậc thầy của chủ nghĩa biểu hiện và lãng mạn này.
Qua chiếc tai nghe của nhà bảo tàng, tôi được biết thêm nhiều điều về ông. Gaudi nói : “ Cái độc đáo là trở về với cội nguồn!”. Cội nguồn ở đây chính là thiên nhiên. Ông nghiên cứu tìm hiểu và khám phá các qui luật của thiên nhiên nhằm tạo ra một thiên nhiên thứ hai cho con người. Gốm chính là một chất liệu từ thiên nhiên được chế tác từ bàn tay của con người dựa trên sự tổng hoà giữa đất-nước-lửa và không khí. Gaudi là một nghệ sĩ điêu luyện về gắn mảnh gốm vỡ, không những tạo nên các mảng trang trí đẹp cho công trình mà còn có công dụng thực tế : nó không phai màu, bền chắc, tươi tắn dưới ánh mặt trời, chịu được cọ sát, va chạm và dễ lau rửa...
Casa Milla là một ví dụ tiêu biểu về quan niệm “thiên nhiên hoá kiến trúc” của Gaudi. Trong ngôi nhà này, các căn buồng với tường, trần cong và gồ ghề giống như các hang động thiên nhiên. Sân thượng của nhà Milla mở ra một cảnh trừu tượng và siêu thực chưa từng thấy trong lịch sử kiến trúc thế giới. Đó là những ống khói và ống thông hơi lớn đã được biến thành những tác phẩm điêu khắc hiện đại được phủ những mảnh gốm màu tươi sáng, gợi hình ảnh những con quỷ và những hiệp sĩ trùm kín mặt.
Công viên Guell (được xây dựng từ năm 1900-1914) là một cuộc chơi đầy ngầu hứng trong nghệ thuật gắn gốm của Gaudi. Con kỳ nhông với những mảng màu rực rỡ của gốm, hàng ghế băng uốn lượn ở sân công viên với nghệ thuật gắn những mảnh gốm vỡ muôn màu đã tạo nên những bức tranh đi trước hội hoạ trừu tượng và siêu thực đến trên 10 năm. Sự phóng khoáng của việc kết hợp những mảng màu lớn cũng như vẻ tinh tế của những hoạ tiết được ghép lại khéo léo từ vô vàn mảnh vỡ nhỏ của gốm với nhiều sắc độ đã thực sự làm rung động trái tim bất cứ người thăm quan nào.
Tư tưởng và nghệ thuật của Gaudi đã ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ tạo hình và kiến trúc sư trên toàn thế giới. Những công trình kiến trúc được trang trí bằng gốm ở Damstardt (Đức), Chicago, San Francisco, California (Mỹ), Fukuoka (Nhật Bản),Lyon (Pháp)... là sự tiếp nối đầy sáng tạo nghệ thuật gắn gốm của Gaudi lên những công trình hiện đại. Việc dùng chất liệu gốm truyền thống của dân tộc mình để trang hoàng các công trình kiến trúc đã có một lịch sử lâu đời, điển hình là bức tường thành Babilon được xây dựng từ thế kỷ thứ VI trCN với những viên gạch gốm coban mà đến nay vẫn tươi nguyên màu men, ở các mái vòm và tranh tường nhà thờ thiên chúa giáo châu Âu và ở Việt nam mình là nội thất lăng Khải Định, một vài mảng trang trí rồng, phượng ở các đình chùa Hội An, Hà Nội, Bát Tràng,... Tôi tự chiêm nghiệm và rút ra một kết luận như thế này : Nói lên tiếng nói riêng của bản sắc dân tộc mình, nhận được sự đồng cảm chung giữa những nền văn hoá đa dạng trên thế giới - điều đó chúng ta tìm thấy trong nghệ thuật trang trí gốm cho các công trình kiến trúc. Vậy chúng ta không nên bỏ qua nghệ thuật này đối với các thành phố trên dải đất Việt Nam thân yêu với rất nhiều làng gốm truyền thống nổi tiếng.
Nguyễn Thu Thủy
Source: http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/mythuathiendai/2008/5/1685.html
(Thứ Hai, 26/05/2008-10:27 AM)
CHƠI GỐM
Nguyễn Thu Thủy,Vũ Hồng Nguyên, Nguyễn Doãn Sơn, Ngô Bá Hoàng, Bùi Viết Đoàn, Nguyễn Văn Chuyên, Trần Đình Khương, Trịnh Minh Tiến, Đinh Cường, Đỗ Quốc Vỵ, Joel Bennett... là những nghệ sĩ đã tích cực tham gia dự án Con đường Gốm sứ từ những ngày đầu phôi thai. Một cuộc gặp gỡ tại nhà sàn Phù Lãng đã cuốn hút họ bắt tay vào thực hiện một trại sáng tác gốm tại Bát Tràng trong tháng 5/2007. Cuộc triển lãm ngoài trời tại bảo tàng Dân tộc học đã gây ấn tượng tới công chúng, giới truyền thông và đặc biệt là UBND TP Hà Nội. Hầu hết các nghệ sĩ tham gia đều rất tâm huyết với dự án nghệ thuật mang tính cộng đồng này. Hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn đã vẽ xong phác thảo cho 100m tranh gốm thể hiện 100 loài hoa ở Việt Nam, dự kiến sẽ thực hiện trên đoạn đê chợ hoa Quảng An. Hoạ sĩ Trần Đinh Khương dùng phong cách biểu hiện để chuyển thể những motif anh thường vẽ trong sơn mài sang những mảng gốm đắp nổi. Hoạ sĩ Ngô Bá Hoàng hiện là giảng viên khoa Hoành tráng trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp đầy hào hứng với dự án để phát huy sở trường của mình. Họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên muốn tiếp nối mạch sáng tác cho loạt tranh trừu tượng với cảm hứng từ Phù sa sông Hồng. Xin được trích dẫn cuộc nói chuyện với một hoạ sĩ trong nhóm- hoạ sĩ Vũ Hồng Nguyên.
Vì sao anh nhận lời tham gia dự án nghệ thuật công cộng Con đường Gốm sứ ven sông Hồng ?
Tôi nhận lời tham gia Dự án Con đường Gốm sứ vì nhiều lý do :
1.Đây là một dự án có tính cộng đồng cao, mà ở đó người nghệ sĩ mang được nhiều thứ tốt đẹp, thiết thực cho xã hội mà không phải dự án nghệ thuật nào cũng làm được
2. Chủ dự án là nhà báo hoạ sĩ Nguyễn Thu Thủy với tôi là một người bạn
3. Tôi rất yêu thích chất liệu gốm và là người sưu tập khá nhiều gốm. Bây giờ tôi được thử sức mình với chất liệu này.
4. Thời gian trôi đi nhanh, tuổi trẻ trôi đi nhanh, và lúc trẻ mình làm được điều gì cho xã hội- đó là điều nên làm.
Cảm xúc của anh khi làm việc trên chất liệu gốm ?
Chất liệu gốm không phải chất liệu gì lã lẫm đối với mọi người vì nó luôn ở quanh ta, và nhất là đối với các nghệ sĩ. Tôi là một hoạ sĩ chuyên về chất liệu sơn dầu , sơn mài, tổng hợp, thì gốm là một chất liệu hoàn toàn khác với những chất liệu tôi đang làm hàng ngày. Những chất liệu hàng ngày tôi làm chủ và tự tin trên những chất liệu đó, gốm thì khác. Gốm lại cho tôi sự hồi hộp chờ đợi mỗi khi dỡ lò, sự biến hoá của men, của màu, của lửa,... Làm gốm tôi phải hình dung về màu nhiều hơn vì ở gốm màu sắc đôi khi ngược lại với những chất liệu màu mà tôi vẫn làm chủ. Những điều trên cho tôi thấy không dễ gì làm chủ ngay được, đấy cũng là một yếu tố mà tôi phải khắc phục, tìm tòi để định hình được ngôn ngữ của gốm.
Cảm xúc về gốm trong tôi là một chất liệu mới mà ở đó tôi được thả những ý tưởng của mình theo một cách khác với những gì tôi đã từng làm.
ý tưởng cho đoạn tranh gốm anh sẽ thực trên tường đê sông Hồng là gì ?
Tôi có ý tưởng làm bức tranh gốm dài 100m ghép mảnh theo cách truyền thống của mosaic với chủ đề “ Mạch sống”. Với tôi Mạch sống là những đường chuyển động ẩn hiện, biến hoá và khá nhiều màu sắc... Tôi là nghệ sĩ vẽ tranh trừu tượng. ý tưởng cho đoạn tranh gốm này cũng sẽ là tranh trừu tượng, vẫn là phong cách của tôi, giờ được biến chuyển sang chất liệu gốm. Dù sao vẫn phải là tôi và vẫn phải là tranh gốm. Vì là tranh trừu tượng nên mọi thứ không thể quá chi tiết hay rõ ràng. Ta cứ làm và mọi thứ sẽ ùa ra dù là chất liệu gì ! Bạn cứ chờ xem- tác phẩm của tôi là “Mạch sống”.
Xin cảm on anh đã trả lời phỏng vấn. Chúc anh thành công với dự án!
Thùy Vân thực hiện
Source: http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/mythuathiendai/2008/5/1701.html
Copy © 2010 Thuthuymosaic@gmail.com