(Thứ Hai, 26/05/2008-10:39 AM)
CON ĐƯỜNG GỐM SỨ VEN SÔNG HỒNG-QUÀ TẶNG THĂNG LONG-HÀ HỘI 1000 NĂM
Trước tiên tôi xin được gửi lời trân trọng cảm ơn tới Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Câu lạc bộ Hoạ sĩ trẻ, Tạp chí Mỹ thuật, Nhà xuất bản Mỹ thuật, trường ĐH Mỹ thuật và Viện Mỹ thuật. Là hội viên Hội Mỹ thuật chuyên ngành Phê bình Lý luận từ năm 2002, công tác ở tạp chí Mỹ thuật trong thời gian 5 năm, sáng tác và tham gia triển lãm cùng Câu lạc bộ hoạ sĩ trẻ trong 3 năm, viết về mỹ thuật cho báo Hànộimới đã hơn 5 năm nay- chung qui lại giới mỹ thuật là chiếc nôi đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ của tôi bay bổng. Tình bạn thân thiết với các bạn hoạ sĩ trẻ cùng thế hệ, yêu quí phong cách sáng tác của các bạn, lòng mến phục tài năng của các hoạ sĩ lớp trước, những cuộc nói chuyện đầy bổ ích với các nhà phê bình lý luận...tất cả đã tạo cho tôi sự tự tin và vững vàng trong công việc cầm bút cũng như sáng tạo nghệ thuật, mặc dù xuất phát điểm của tôi không phải được đào tạo chính qui từ trường ĐH Mỹ thuật (tôi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Ngoại ngữ).
Luôn tâm niệm muốn viết sâu về vấn đề gì thì chính bản thân mình phải học để hiểu và để có được cái nhìn, sự cảm nhận của người trong nghề và người trong cuộc. Thời gian làm ở Tạp chí Mỹ thuật (1996-2001), với tốc độ ban đầu là 2 tháng một số, sau là một tháng một số có khoảng 1-2 bài viết của mình , tôi đã có thời gian học vẽ sơn dầu, sơn mài, đồ hoạ ở xưởng hoạ của các hoạ sĩ Phạm Viết Song, Trịnh Tuân-Công Kim Hoa, Phạm Viết Hồng Lam- Tạ Phương Thảo và trại sáng tác đồ hoạ dành cho CLB Hoạ sĩ trẻ ở trung tâm Mỹ thuật đương đại do hoạ sĩ Lê Huy Tiếp phụ trách. Triển lãm nối tiếp triển lãm, những ý tưởng sáng tạo dần đưa tôi đến việc chiếm lĩnh những không gian ngày một lớn hơn.
Khoảng cuối năm 2006, trong một lần đi chụp ảnh chợ gốm ven sông Hồng trên mạn đường Âu Cơ, tôi đã sững sờ khi lần đầu tiên nhìn thấy một “cánh đồng gốm” bên bờ sông Hồng với đủ các sản phẩm gốm từ Bát Tràng (Hà Nội) , Chu Đậu (Hải Dương) ngược sông Hồng theo thuyền chở lên, từ Phù Lãng (Bắc Ninh), Đông Triều (Quảng Ninh) xuôi sông Cầu và sông Đuống chở xuống. Tôi đã chợt nghĩ đến những công trình kiến trúc của Antonio Gaudi ở Barcelona (Tây Ban Nha), của Hundert Wasser ở Damstard (Đức) và đặc biệt là bức tường thành Babilon vĩ đại với những viên gạch gốm xanh coban huyền ảo mà men màu vẫn tươi nguyên sau hàng bao thế kỷ (Thành Babilon được xây dựng từ thế kỷ 6 - 3 trCN) được trưng bày một phần trong bảo tàng khảo cổ học Pergamon ở Berlin. Vậy là từ hôm đó, khi trên đường đi làm từ nhà tới tòa soạn theo cung đường Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, mắt tôi luôn dán vào dải đường đê với màu xám tối xi măng nặng nề và phát hiện ra nhiều chỗ bị bôi bẩn, viết bậy, trông rất mất mỹ quan. Trong đầu tôi hình thành ý tưởng kêu gọi các họa sĩ Việt Nam và quốc tế cùng tham gia sáng tác bằng chất liệu gốm để trang trí dải đường đê này như một món quà dành tặng thủ đô nhân đại lễ 1000 năm định đô. Đặc biệt những mảng bê tông lớn ở nút giao thông cầu vượt Chương Dương cùng những hàng cột lớn dưới gầm cầu sẽ trở thành điểm nhấn đẹp của công trình nghệ thuật ngoài trời Con đường gốm sứ. Chắc chắn nếu dự án được thực hiện thành công, đây sẽ là một hình ảnh nghệ thuật mới của Hà Nội.
Chuyến đi tu nghiệp 2 tháng tại Viện Báo chí Quốc tế Berlin giữa năm 2006 với những cuộc tham quan các bảo tàng và các công trình kiến trúc tại 7 nước châu Âu càng làm sáng rõ hơn những ý tưởng sáng tạo trong tôi. Tôi đã bắt tay vào chụp ảnh dải tường đê bê tông ven sông Hồng, mua những chậu gốm về đập vỡ và tự tay gắn gốm làm phác thảo mẫu để minh hoạ cho ý tưởng sáng tạo. Khi công bố những phác thảo đó tại cuộc triển lãm Làm đẹp thành phố Hà Nội do tạp chí Kiến trúc tổ chức vào tháng 3-2007 (ở nhà triển lãm 45 Tràng Tiền), ngay lập tức Con đường Gốm sứ ven sông Hồng đã nhận được sự cổ vũ của đông đảo công chúng, các nghệ sĩ, kiến trúc sư và giới truyền thông. Trong lời phát biểu khai mạc triển lãm, thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đã đánh giá cao tác phẩm Con đường gốm sứ : “ Nếu ý tưởng này được thực hiện, Hà Nội sẽ có thêm những hình ảnh nghệ thuật hoành tráng mới dựa trên nền tảng những công trình có sẵn, không gây tốn kém và mang giá trị thẩm mỹ cao.” . Đại sứ quán CH Panama trao tôi Tặng thưởng cho ý tưởng độc đáo và mang tính khả thi cao. PGS.KTS Đặng Thái Hoàng viết trong sổ cảm tưởng : “ Hiện nay, trên thế giới tồn tại và phát triển một loại hình nghệ thuật gọi là nghệ thuật công cộng hay nghệ thuật đô thị, mảng nghệ thuật này ở ta và ở Hà Nội còn thiếu vắng nghiêm trọng, dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng chính là một đóng góp vào sự phát triển loại hình nghệ thuật này ở nước ta.”.
Để đưa ý tưởng trở thành hiện thực, tôi đã viết thành dự án với nội dung thực hiện chi tiết để trình lên UBND Thành phố phê duyệt. Tên dự án là Con đường Gốm sứ ven sông Hồng- Quà tặng Thăng Long Hà Nội 1000 năm (1010-2010). Trải qua khoảng 4-5 buổi thuyết trình ở sở Văn hoá Thông tin HN và một buổi ở UBND thành phố Hà Nội với các hình ảnh trên máy chiếu projector, các bản phác thảo, tranh gốm minh hoạ. Tôi đã trả lời nhiều câu hỏi phản biện từ đại diện các sở Quy hoạch Kiến trúc, Giao thông Công chính, Văn hoá Thông tin, Chi cục Đê điều, và các nhà chuyên môn. Đa số ý kiến đều rất ủng hộ sau khi nghe tôi trình bày về những tấm gương nghệ thuật công cộng ở các nước trên thế giới hiện nay. Các bạn hoạ sĩ Vũ Hồng Nguyên, Trần Đình Khương, Ngô Bá Hoàng, Nguyễn Văn Chuyên, Nguyễn Doãn Sơn, Bùi Viết Đoàn đã luôn sát cánh để cổ vũ tôi trong những cuộc thuyết trình này. Một quyết định sáng suốt được đưa ra là chúng tôi tự tổ chức trại sáng tác gốm ở Bát Tràng với sự tham gia của 15 nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ gốm người Mỹ Joel Bennett (Phó Giáo sư trường ĐH Mỹ thuật Santa Rosa California). Kết quả là cuộc triển lãm tranh gốm ngoài trời tại Bảo tàng Dân tộc học (19 - 29/5/2007) đã mang lại một cái nhìn cụ thể và khả thi hơn cho mọi người về Con đường Gốm sứ. Ngày 23/10/2007 UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định chính thức giao cho Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội triển khai dự án, sở Văn hoá Thông tin HN là đơn vị chủ quản. Một hội đồng nghệ thuật gồm 9 thành viên do UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập đã mời hoạ sĩ Trần Khánh Chương làm chủ tịch.
Khi viết dự án trình UBND thành phố tôi đã trình bày 6 mảng nội dung lớn sẽ được thể hiện trên Con đường Gốm sứ : trường đoạn đầu tiên sẽ tôn vinh những nét đẹp trong di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các hoạ tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử : những hoa văn Đông Sơn thời các vua Hùng, những họa tiết trên gốm trang trí kiến trúc Thăng Long thời Lý-Trần, trên gốm men ngọc thời Lý, trên gốm hoa nâu thời Trần, trên điêu khắc gỗ dân gian thế kỷ 17-18,... ý tưởng cho đoạn đầu này tiếp nối những suy nghĩ của tôi trong loạt bài viết về Di sản văn hoá Vật thể và Phi vật thể của dân tộc Việt Nam (Đoạt giải Nhì Giải Báo chí Toàn quốc năm 2005). Tiếp sau trường đoạn tôn vinh lịch sử, sẽ là trường đoạn tranh gốm đương đại của các nghệ sĩ ba miền Bắc-Trung- Nam, tranh gốm đương đại của các nghệ sĩ gốm quốc tế và một đoạn tranh gốm thiếu nhi với chủ đề Hà Nội-Thành phố vì Hoà bình. Bức tranh gốm trên bức tường bê tông cao 6m tại nút cầu vượt Chương Dương sẽ là một điểm nhấn hoành tráng.
Chính vì muốn tạo nên ý nghĩa là món quà tặng của đông đảo nhân dân thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tế dành tặng Hà Nội, nên chúng tôi quyết định thực hiện dự án theo phương thức xã hội hoá và chỉ đề nghị thành phố hỗ trợ một khoản kinh phí ban đầu là 200 triệu đồng. Viết xong dự án bằng tiếng Việt để xin được quyết định của UBND TP cho phép triển khai thực hiện, tôi quay sang viết dự án bằng tiếng Anh để xin tài trợ của quỹ Ford Foundation và quỹ phát triển văn hoá Đan Mạch. Tôi thực sự may mắn khi nhận được sự ủng hộ từ hai quỹ văn hoá nghệ thuật này. Vậy là tổng số 550m2 tranh gốm đầu tiên đã được nhận tài trợ và các nghệ sĩ gốm từ Mỹ và Đan Mạch sẽ tới Hà Nội tham gia dự án. Trên thực tế nhóm nghệ sĩ Nghệ thuật Tân Hà Nội đã hoàn thành hơn 100m2 tranh gốm đầu tiên tại ngã ba đường Thanh Niên-Nghi Tàm-Yên Phụ.
Hy vọng trong hai năm tới, dự án Con đường Gốm sứ sẽ hoàn thành đoạn trung tâm từ ngã ba đường Thanh Niên- Nghi Tàm - Yên Phụ đến nút cầu vượt Chương Dương, tạo nên một món quà tặng đồng thời là dấu ấn nghệ thuật đẹp nhân dịp kỷ niệm lần thứ một nghìn của thủ đô văn hiến. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục kéo dài Con đường Gốm sứ này cùng với các sự kiện văn hoá như các trại sáng tác gốm dành cho các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế trổ tài khi sáng tác tại các làng gốm khác nhau trên dải đất Việt Nam. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đương đầu là vận động tài chính cho dự án. Tiến độ của dự án sẽ không chỉ phụ thuộc vào sức làm việc và những cống hiến sáng tạo của các nghệ sĩ mà còn phụ thuộc rất nhiều vào mối quan tâm của xã hội đến công trình nghệ thuật công cộng này.
Nguyễn Thu Thủy
Source:http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/mythuathiendai/2008/5/1707.html
(Thứ Hai, 26/05/2008-9:48 AM)
NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG-XU THẾ PHÁT TRIỂN TẠI CÁC ĐÔ THỊ HIỆN ĐẠI
một tác phẩm trang trí gốm ở Pháp
Nghệ thuật đi vào quỹ đạo giáo dục thẩm mỹ không chỉ với tư cách nhân tố thúc đẩy sáng tạo “theo qui luật cái đẹp”, mà cả với tư cách phương tiện mạnh mẽ để nhận thức cuộc sống và làm con người phong phú lên về mặt tinh thần.”
Nhận định của nhà nghiên cứu nghệ thuật người Nga ốpxiannhicốp đúng với nhiều loại hình nghệ thuật và đặc biệt đúng với loại hình nghệ thuật công cộng. Thuật ngữ Public Art ( Nghệ thuật công cộng) thực ra không phải xa lạ trên thế giới. Thuật ngữ này dùng để chỉ các tác phẩm nghệ thuật làm đẹp các công trình công cộng. Đó có thể là tranh tường, tượng đài, tượng trang trí, tranh gắn gốm, tranh kính màu,...Những cổng khải hoàn môn, phù điêu, tượng đài, những quảng trường, công viên được trang trí đẹp,...là những hình thức truyền thống lâu đời của nghệ thuật công cộng tại các đô thị trên thế giới. Ngay cả những công trình kiến trúc với những đường nét đẹp cũng chính là những tác phẩm nghệ thuật công cộng. Nói chung, đó là gương mặt của thành phố để bất cứ du khách nào khi tới thăm sẽ nhận ra ngay đời sống tinh thần, gu thẩm mỹ, phong cách và chiều sâu lịch sử, văn hóa của thành phố đó.
Nói đến Mátxcơva, người ta thường tấm tắc khen những bến tàu điện ngầm được trang hoàng đẹp như cung điện. Nhắc đến Xanh Pêtécbua, ai cũng trầm trồ với kiến trúc của Cung điện Mùa đông và những đài phun nước. Đến thăm Barcelona, không ai lại không tìm đến thăm các công trình kiến trúc với nghệ thuật gắn gốm của Antonio Gaudi, tìm đến ngồi trên chiếc ghế băng rực rỡ các sắc màu của gốm rất nổi tiếng trong công viên Guell. Thành phố Pari hoa lệ vốn đã nổi tiếng với những tòa kiến trúc cổ lộng lẫy dọc hai bên bờ sông Xen, nhưng họ vẫn không ngừng đặt thêm vào đó những dấu ấn nghệ thuật mới như một kim tự tháp kính giữa sân bảo tàng Louvre, một trung tâm nghệ thuật đương đại với đường nét hiện đại của kính và thép Pompidou hay một cổng lớn vuông thành sắc cạnh khổng lồ La Defence. Tất nhiên, việc xây mới hay đặt thêm vào những tác phẩm nghệ thuật hiện đại trong lòng một thành phố có tuổi đời già nua đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như quyết định mạnh dạn của các nhà qui hoạch, các kiến trúc sư và các nghệ sĩ tạo hình. Một thành phố vừa giữ được những phần cổ kính thâm nghiêm, vừa phát triển thêm những phần mới hiện đại hoành tráng. Đó là xu thế chung của hầu hết các đô thị phương Tây và phương Đông hiện nay.
Tuy nhiên cùng với sự phát triển của kỹ thuật xây dựng hiện đại, những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, khiến chúng ta có cảm giác nghệ thuật công cộng bị lãng quên. Không gian dành cho công viên, cây xanh, quảng trường, cho điêu khắc, tranh tường trở nên thiếu nghiêm trọng. Hình dáng vươn cao thẳng đứng của các toà nhà na ná giống nhau ở khắp nơi, khiến chúng ta cảm thấy kiến trúc hiện đại chẳng có bản sắc gì riêng. Chính phủ ở nhiều nước đã có những nỗ lực để khắc phục tình trạng này. Họ khuyến khích việc phát triển nghệ thuật công cộng bằng cách đưa ra những chính sách bằng văn bản như việc trích 1% ngân sách xây dựng những tòa nhà mới cho nghệ thuật công cộng. Khẩu hiệu của họ là “Phần trăm cho nghệ thuật!” (Percent for Art!) . Thành phố Niu Yóoc đưa ra điều luật trích không dưới 1% đối với công trình xây dựng trị giá 20 triệu USD, và không dưới 0,5% đối với các công trình trên 20 triệu USD để dành ngân sách cho nghệ thuật công cộng. ở Toronto (Canada) thì đưa ra luật chung là trích 1% ngân sách các công trình xây dựng bất kể lớn nhỏ cho nghệ thuật công cộng. Tại nước Anh hiện nay, thì việc trích phần trăm này là do thỏa thuận giữa chính quyền thành phố và các chủ đầu tư, dựa trên 106 điều thỏa thuận đã được ban hành thành văn bản.
Thực ra, ngoài sáng kiến mới trên thì rất nhiều dự án nghệ thuật đã được triển khai theo mô hình các “mạnh thường quân” kinh tế tài trợ cho các dự án nghệ thuật mà họ yêu thích, hoặc sự kết hợp giữa chính quyền thành phố và nhân dân. Tại thành phố Athen (Hy Lạp), hệ thống tàu điện ngầm mới được xây dựng xong cách đây 2 năm. Các vị lãnh đạo thành phố còn đưa ra quyết định mang cả cổ vật (những bức tượng Hy Lạp cổ đại cỡ lớn) trưng bày trong những tủ kính dưới bến tàu điện ngầm. Hai năm trôi qua, đã không hề có hành động phá hoại nào xảy ra. Và kết quả là hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước được chiêm ngưỡng những di vật đẹp của Hy Lạp cổ đại tại những nơi công cộng. Hay tại những bến xe, nhà ga ở Tây Ban Nha, các nghệ sĩ trẻ tiếp tục truyền thống gắn gốm của A.Gaudi để tạo nên những bức tranh gốm ngoài trời rực rỡ. Tất cả các hoạt động này làm nên sự năng động trong đời sống tinh thần của một thành phố : tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp nơi công cộng, mang lại niềm tự hào cho người dân, kích thích sáng tạo cho các nghệ sĩ và thế hệ trẻ tiếp nối, thể hiện gu thẩm mỹ cũng như đời sống văn hóa của những chủ nhân thành phố... Và những hoạt động này được triển khai nhanh hay chậm, được làm hay không được làm, phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của những người đứng đầu thành phố cũng như nỗ lực sáng tạo và cống hiến của các nghệ sĩ.
Nguyễn Thu Thủy
Source: http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/mythuathiendai/2008/5/1689.html
(Thứ Hai, 26/05/2008-10:13 AM)
Con đường Gốm sứ ven Sông Hồng với các hoạt động vì cộng đồng
Ngày 2/12/2007, tại nhà văn hóa phường Yên Phụ, ban điều hành dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng đã phối hợp với đoàn thanh niên phường Yên Phụ tổ chức lễ ra mắt dự án với cộng đồng cư dân phường Yên Phụ, nơi dự án triển khai đoạn tranh gốm đầu tiên. Thông qua việc giao lưu, giới thiệu với cộng đồng dân cư nơi bức tranh gốm đi qua , các nghệ sĩ sẽ giới thiệu, mở các khóa dạy tranh ghép gốm để cộng đồng thấy hiểu, thấy yêu và chính họ sẽ là những người bảo vệ Con đường Gốm sứ ven sông Hồng. Cùng với ý nghĩa tạo nên một hình ảnh nghệ thuật mới cho Hà Nội, mục tiêu của dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng sẽ là người bạn đồng hành của công chúng Hà Nội trong việc truyền cho họ những kiến thức về nghệ thuật công cộng cũng như kỹ năng sáng tạo để chính họ có thể tham gia vào dự án.
Trong tháng ba và tháng tư vừa qua, công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã phối hợp với ban giám hiệu trường tiểu học An Dương tổ chức cuộc thi vẽ với chủ đề Hà Nội - Thành phố vì hòa bình với mục đích giới thiệu cho các em học sinh về ý nghĩa sự kiện thành phố Hà Nội sẽ tròn 1000 năm định đô vào mùa thu 2010, hướng dẫn các em vẽ theo các đề tài như em yêu nhất phong cảnh nào ở Hà Nội, theo em điều gì là đặc trưng nhất của Hà Nội, nếu có một điều ước dành cho Hà Nội em sẽ ước gì, ...Cuộc thi sẽ chọn ra những bức vẽ đẹp nhất để chuyển thành tranh gốm cho trường đoạn tranh thiếu nhi trên Con đường gốm sứ. Cuộc thi dự kiến sẽ được tổ chức thêm ở cung Thiếu nhi Hà Nội và trường quốc tế UNIS.
Một xưởng sáng tác dành cho các nghệ sĩ và cộng đồng cư dân muốn tham gia dự án đang được dựng tại đường An Dương, gần nơi thi công tranh gốm. Hy vọng đây sẽ là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn mới của Hà Nội, nơi mọi người có thể đến để tìm hiểu về nghệ thuật ghép gốm cũng như học thêm kỹ năng sáng tạo từ các nghệ sĩ để tự tay ghép nên những bức tranh gốm tươi sáng.
Thu Hằng
Source:http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/mythuathiendai/2008/5/1697.html
(Thứ Hai, 26/05/2008-10:05 AM)
100 MÉT TRANH GỐM ĐẦU TIÊN
Trong gần hai tháng sau Tết Nguyên Đán, nhóm hoạ sĩ Nghệ thuật Tân Hà Nội tiếp tục làm việc đầy hào hứng tại xưởng gốm Sơn Hà (Bát Tràng). Vẫn tiếp tục trường đoạn tôn vinh nét đẹp nền văn minh sông nước của cư dân Lạc Việt thời các vua Hùng, các nghệ sĩ tái hiện phóng to và gây ấn tượng thêm bằng ngôn ngữ điêu khắc đương đại các hoạ tiết hoa văn Đông Sơn trên nền gắn gốm mosaic lượn sóng diễn tả dòng sông Hồng cuộn chảy. Nếu có dịp lên Phú Thọ dự lễ hội Đền Hùng những năm gần đây, được xem cảnh thi bơi chải tryền thống tại ngã ba sông Bạch Hạc, bạn sẽ rất xúc động khi nhìn lại những hoa văn diễn tả cảnh đua thuyền từ thời vua Hùng dựng nước cách đây hơn 4000 năm. Vẫn đó những hình thuyền đua dài, vẫn đó những bóng dáng con người đang sải tay chèo, vẫn đó tinh thần lễ hội sông nước cầu cho mưa thuận gió hoà.
Nghiên cứu thời đại Hùng Vương dựng nước trên lưu vực sông Hồng, giới khảo cổ miền Bắc đã phác hoạ được một diễn biến văn hoá và lịch sử liên tục từ khoảng cuối thời đại đá mới qua thời đại đồng thau đến đầu thời đại sắt. Hà Nội có đủ các di tích tiêu biểu cho dòng diễn biến liên tục về văn hoá và lịch sử đó suốt 2000 năm trước công nguyên. Riêng tôi rất ấn tượng với trống đồng Ngọc Hà và trống đồng Trung Màu loại I cổ xưa nhất được tìm thấy ở Hà Nội. Một hình thuyền có ba người đang chèo bé xíu được trang trí trên rìu xéo tìm thấy ở di chỉ Trung Màu (Gia Lâm) đã ám ảnh tôi. Có lẽ đó là hình ảnh xưa nhất về cư dân Lạc Việt đang chèo thuyền trên sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội.
Nếu trên bản đồ trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở Đông Nam á, ta thấy sự tập trung dày đặc với số lượng nhiều của trống đồng Đông Sơn là chính tại Việt Nam mà đặc biệt là ở lưu vực 3 dòng sông Hồng, sông Mã và sông Cả (178 trống). Giới bảo tàng và khảo cổ học thế giới đã dùng từ Dong Son Bronze để chỉ chung đồ đồng và trống đồng trong toàn khu vực. Chỉ riêng như vậy ta cũng đủ thấy vị thế của nền văn hoá Đông Sơn thời các vua Hùng được đánh giá cao như thế nào trong lịch sử khảo cổ học thế giới. Năm 2005, để viết loạt bài về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc Việt Nam, tôi đã đi thăm kỹ các bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, bảo tàng Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Ninh, và tự rút ra nhận xét là nền văn hoá Đông Sơn gắn liền với sự phát triển rực rỡ của nền văn minh sông nước thời các vua Hùng. Đồ gốm Đông Sơn cũng vô cùng đẹp và có nhiều dáng bình, lọ, nồi, đồ trang sức tương đồng với đồ đồng. Hoàn toàn có thể hình dung ra rằng chính những dòng sông là đường giao thông huyết mạch thời đó với phương tiện chính là những con thuyền. Những lưỡi câu đồng, những rọi xe chỉ gốm, vòng đeo tay, hoa tai gốm, bát, chậu gốm...những đồ dùng của cư dân Lạc Việt xưa vẫn còn đó , nói lên sinh hoạt và công việc lao động hàng ngày của họ. Không xúc động sao được khi được tận mắt ngắm những di vật của người xưa và hoàn toàn có thể tưởng tượng lại được đời sống của họ thông qua những hoạ tiết hoa văn diễn tả trên trống đồng, thạp đồng.
Này đây cảnh đua thuyền, này đây cảnh giã gạo, cảnh người nhảy múa, thổi khèn, đánh trống đồng, thiên nhiên với chim lạc, bồ nông, cá, mặt trời, sóng nước... những nét vẽ giản lược được cách điệu cao hoàn toàn gợi thực và cô đọng. Khi phóng to những hoạ tiết này trên những tấm đất sét lớn, những nghệ sĩ chúng tôi luôn trầm trồ thán phục: “ Các cụ ngày xưa giỏi thật! Đầu óc tưởng tượng rất phong phú và cực...hiện đại !” . Hiện đại bởi những nét vẽ cách điệu khoẻ khoắn, đơn giản nhiều khi sang hẳn những hình trừu tượng. Có lẽ vì vậy khi thể hiện sang phù điêu gốm màu kết hợp với kỹ thuật gắn mosaic nền, bức tranh gốm trở nên sinh động, tươi sáng và rất đương đại. Nhà điêu khắc Trần Tuy nói với chúng tôi : “ Không ngờ hoa văn Đông Sơn rất phù hợp với cách làm của các bạn.”
Với mong muốn tạo nên một công trình nghệ thuật chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, các nghệ sĩ chúng tôi mong muốn thể hiện một đoạn tranh gốm dài tôn vinh các nét đẹp trong di sản nghệ thuật của cha ông theo dòng chảy thời gian trước khi chuyển sang phần tranh gốm hiện đại của thế kỷ 21. Chúng tôi đã hoàn thành 100 mét tranh gốm đầu tiên tôn vinh văn hoá Đông Sơn thời các vua Hùng!
Nguyễn Thu Thủy
Source:http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/mythuathiendai/2008/5/1695.html
(Thứ Hai, 26/05/2008-9:55 AM)
FORD FOUNDATION NHÀ ĐỠ ĐẦU NGHỆ THUẬT
ý tưởng nghệ thuật hoành tráng dù hay đến mấy mà không có các mạnh thường quân đỡ đầu thì cũng sẽ không thể trở thành hiện thực. Dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng đã may mắn nhận được tài trợ của quỹ Ford Foundation cho 450m2 tranh gốm đầu tiên, một xưởng sáng tác dành cho nghệ sĩ và cộng đồng trong thời gian triển khai dự án, một cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề Nghệ thuật Công cộng và sự phát triển cộng đồng sẽ diễn ra vào ngày 14/6/ 2008 tại viện Goethe Hà Nội.
Trong thời gian viết dự án để trình quỹ Ford phê duyệt, nhà báo - hoạ sĩ Nguyễn Thu Thủy thường xuyên trao đổi qua email với tiến sĩ Michael DiGregorio, cán bộ chương trình của quỹ để hỏi ý kiến. Kết quả là chị đã mời thành công hai vợ chồng nghệ sĩ Public Art từ Chicago là Jon Pounds và Olivia Gude. Họ là tác giả của nhiều công trình nghệ thuật công cộng hoành tráng ở Chicago. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghệ thuật công cộng, họ đang rất nhiệt tình giúp đỡ dự án Con đường Gốm sứ tại Hà Nội. Nữ hoạ sĩ Jane Golden, người sáng lập và giám đốc hiện nay của Chương trình tranh bích hoạ Philadelphia cũng nhận lời mời sang Hà Nội để cố vấn cho dự án.
Chiều ngày 14/5/2008, tiến sĩ Alison Bernstein, Phó Chủ tịch quỹ Ford Foundation (FF) ở New York, tiến sĩ David Hulse, trưởng đại diện FF Hà Nội và tiến sĩ Michael đã tới thăm 100m2 tranh gốm đầu tiên của Con đường Gốm sứ. Tại xưởng nhà sàn của dự án, bà Alison đã trò chuyện cùng các nghệ sĩ và các em thiếu nhi trường TH An Dương về dự án Con đường gốm sứ. Trước khi chia tay, bà đã xúc động phát biểu: “Tôi đã trải qua một quãng đường dài tới đây từ thành phố New York. Đó là một thành phố rất đẹp nhưng lại không có bức tranh gốm đẹp như của các bạn đang làm. Nó đẹp bởi được kết hợp giữa nghệ thuật làm gốm truyền thống lâu đời của đất nước các bạn với những sáng tạo đương đại của các nghệ sĩ, nó đẹp bởi sự tôn vinh lịch sử để chào đón một mốc lịch sử nghìn năm đầy ý nghĩa . Nó đẹp bởi đó là thành quả lao động của một tập thể đông đảo các nghệ sĩ, những thợ thủ công làng nghề và sự trợ giúp của cộng đồng. Bức tranh gốm làm thay đổi cảnh quan và làm giàu có thêm đời sống tinh thần của người dân đi qua đường. Nhất định tôi sẽ đến Hà Nội vào năm 2010 để thăm công trình của các bạn. Hy vọng công trình này sẽ sống cùng thủ đô Hà Nội thêm một nghìn năm nữa!.”
Source: http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/mythuathiendai/2008/5/1691.html
Copy © 2010 Thuthuymosaic@gmail.com