HNMO)- Đúng vào dịp Kỷ niệm 90 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái (1920-2010), chiều 31/8/2010, Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã làm lễ khánh thành đoạn tranh của danh họa Bùi Xuân Phái trên Con đường gốm sứ.
Được sự đồng ý của gia đình cố họa sĩ, các nghệ sĩ thuộc công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã chuyển thể 9 bức tranh sơn dầu vẽ phố cổ của Bùi Xuân Phái thành một bức tranh gắn gốm trên "Con đường gốm sứ" với bố cục chạy dài 19m, cao 1,5m được gắn trên tường đê ở ngã ba Nghi Tàm- Âu Cơ-Yên Phụ.
"Hà Nội có rất nhiều vẻ đẹp mà mỗi vẻ đẹp lại thích hợp với mỗi người. Có những cái đẹp mới và lại có cả những cái đẹp cũ, thí dụ những căn nhà cổ Việt Nam. Phố cổ, những căn nhà cổ vào tranh rất dễ đẹp. Nhịp điệu của nó không đều đều như những căn nhà cao tầng, nhà lắp ghép. Chúng ta thấy có cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ, cái lùi vào, cái nhô ra... Người vẽ về mặt tạo hình và bố cục có rất nhiều thuận lợi. Về màu sắc nó mang nhiều màu thời gian. Có nhiều mảng tường tưởng như là bẩn, không phải đâu. Nó rất đẹp đối với những đối tượng biết nhìn thấy, biết khám phá...những loang lổ, những dấu vết thời gian ấy thêm vào óc tưởng tượng của người nghệ sĩ sẽ tạo ra những cái đẹp bất ngờ. Vẽ phố cổ, nhà cổ Hà Nội mà quá nặng về ghi chép cho đúng thì tranh sẽ mang ít chất hội họa, về phần này nên nhường chỗ cho nhiếp ảnh hoặc điện ảnh. Chúng ta đều biết cái đẹp của tranh, phần cốt yếu vẫn là phần sáng tạo của nghệ sĩ."
Đây là những tâm sự của danh họa Bùi Xuân Phái về nghệ thuật vẽ phố cổ Hà Nội – đề tài tâm huyết mà ông theo đuổi suốt cuộc đời. Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân đánh giá: "Bùi Xuân Phái là người con ruột thịt của Hà Nội, và được coi là họa sĩ số một của linh hồn thành phố này. Phố cổ Hà Nội vô cùng hội họa, và nói theo nghĩa đen của nghệ thuật, thì chính là Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Đây là mảng tranh ưu quyền nhất của ông mà ông đã đeo đuổi trong gần một nửa thế kỷ, cũng như bây giờ nó còn đeo đuổi chúng ta và bạn bè trên thế giới đến dài lâu".
Bùi Xuân Phái đã vẽ phố cổ Hà Nội trong mọi tâm trạng: khi mùa xuân phủ một tấm voan mỏng của mưa bụi lên tường nhà và những ô cửa sổ, ánh nắng mùa hạ làm bừng sáng những mái hiên và tăng độ tương phản của những mảng nắng trên mái nhà và bóng tối bên trong những khuôn cửa, mùa thu nhuộm vàng những vết loang trên tường tạo nên những nhịp điệu trầm lắng, màu ghi xám của mùa đông phủ nét buồn đến nao lòng trên những con phố vắng vẻ, những căn nhà cũ kỹ, những ngõ nhỏ rẽ ngang, một bóng xe xích lô, cô gái ngồi bên khuôn cửa...
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân đánh giá: "Đất Hà Nội nghìn năm rất hội họa, con mắt người Hà Nội cũng rất hội họa. Bùi Xuân Phái có một tâm hồn và con mắt hội họa ưu tú đã làm phát lộ vẻ đẹp đó trên tranh... Căn phòng bề bộn ở phố Thuốc Bắc của ông nằm giữa nét thấp đường cao, giữa vô vàn xanh lơ nhẹ, đỏ, lục, ghi, nâu ấy, những ô cửa sổ nhỏ như những bì thư, như những trang vở học trò, mở ra, khép lại, ngỡ ngàng với những sinh hoạt hằng ngày đã thành thói quen cứ lặp đi lặp lại để trở thành các lề thói của thủ đô thanh lịch".
Tuyết Minh
Copy © 2010 Thuthuymosaic@gmail.com